Gen Z (1997 - 2012) là những thế hệ công dân số đầu tiên, lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc với nhiều thay đổi trong cách sống, suy nghĩ và giao tiếp. Chính sự khác biệt này đã khiến không ít cha mẹ phải đối mặt với câu hỏi: Có cách nào để đồng hành cùng con khi khoảng cách thế hệ ngày càng lớn?
.jpg)
Đồng hành cùng Gen Z không có nghĩa là phải trở thành “bậc thầy công nghệ” hay cố gắng níu kéo những giá trị cũ, đồng hành nghĩa là học cách trở thành người bạn, cùng con khám phá thế giới đa chiều - nơi ranh giới giữa thực và ảo ngày càng trở nên mờ nhạt.
Những thách thức khi nuôi dạy GenZ mà cha mẹ phải trải qua
Khoảng cách thế hệ và sự khác biệt trong tư duy: Gen Z là thế hệ đầu tiên lớn lên trong thời đại công nghệ số, tiếp cận thông tin nhanh chóng và đa chiều, đồng thời có tư duy mở, sáng tạo, luôn sẵn sàng đón nhận những giá trị mới.
Trong khi đó, cha mẹ lớn lên trong môi trường có nhiều quy tắc truyền thống, coi trọng sự ổn định với cách suy nghĩ và quan điểm khá khác biệt. Điều này khiến không ít cha mẹ cảm thấy khó hiểu và khó đồng cảm với các quan điểm, sở thích hay lối sống mới của con.
Việc thiếu sự thấu hiểu và lắng nghe khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn, tạo ra những rào cản trong giao tiếp và gắn kết.
Ảnh hưởng của mạng xã hội và Internet: Hiện nay, mạng xã hội đã trở thành thế giới riêng của giới trẻ, nơi được tự do chia sẻ suy nghĩ và xây dựng cộng đồng nhỏ theo sở thích cá nhân.
Tuy nhiên, song song cùng lợi ích, việc tiếp xúc quá nhiều với thông tin trên mạng cũng khiến Gen Z dễ bị cuốn vào các trào lưu nhất thời, thậm chí là những nội dung chưa được kiểm chứng hoặc mang tính tiêu cực.
Một trong những hệ quả đáng lo ngại là tình trạng bắt nạt trực tuyến hoặc chịu áp lực từ bạn bè đồng trang lứa trên mạng xã hội, điều này khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy tự ti, lo lắng và thậm chí rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm.
Thực tế này đặt ra thách thức lớn cho cha mẹ: Làm sao để hỗ trợ và đồng hành cùng con trước những biến động không ngừng của thời đại?
Khác biệt ngôn ngữ và giao tiếp: Giới trẻ hiện nay đang phát triển một ngôn ngữ riêng biệt, phong phú với nhiều từ lóng, meme và biểu tượng cảm xúc. Tuy nhiên, đối với cha mẹ thuộc thế hệ trước, những thuật ngữ này thường gây bối rối và khó hiểu, tạo ra rào cản trong giao tiếp và kết nối với con cái.
Sự khác biệt trong ngôn ngữ phản ánh cách Gen Z thể hiện cảm xúc và suy nghĩ một cách sáng tạo. Đây là hình thức giao tiếp mới, linh hoạt và giàu biểu cảm, giúp các bạn dễ dàng truyền tải ý tưởng và cảm xúc trong môi trường số hóa.
Ngược lại, cha mẹ thường quen với cách giao tiếp truyền thống, trực tiếp và ít sử dụng các biểu tượng dẫn đến sự khó khăn trong việc hiểu trọn vẹn thông điệp mà con muốn truyền đạt.
Rào cản ngôn ngữ gây ra những hiểu lầm nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, khi cha mẹ không thể theo kịp hoặc không hiểu được cách con giao tiếp, dẫn đến việc cảm thấy xa cách và khó tạo ra những cuộc trò chuyện sâu sắc, chân thành.
Phương pháp nuôi dạy khác biệt: Gen Z có quan điểm nuôi dạy khác biệt so với các thế hệ trước, không tuân theo những quy tắc và khuôn mẫu truyền thống, các bạn mong muốn được thể hiện bản thân một cách độc lập, có quyền lựa chọn và quyết định trong cuộc sống của mình.
Phương pháp nuôi dạy truyền thống thường tập trung vào việc duy trì kỷ luật, đặt ra nhiều giới hạn và kỳ vọng cao về thành tích học tập. Trong khi đó, giới trẻ hiện nay mong muốn cha mẹ thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành thay vì chỉ tập trung vào kết quả.
Vì vậy, các bậc cha mẹ cần học cách tạo ra môi trường nuôi dạy linh hoạt, nơi con được khuyến khích thể hiện cá tính và phát triển sở thích cá nhân.
Cân bằng giữa công việc và gia đình: Nhiều cha mẹ cảm thấy khó khăn khi phải dành đủ thời gian cho công việc để đảm bảo thu nhập, đồng thời vẫn muốn dành trọn vẹn tình yêu thương và sự quan tâm cho con.
Những áp lực vô hình đã tác động lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cha mẹ. Khi căng thẳng kéo dài, cha mẹ có thể trở nên thiếu kiên nhẫn, giảm khả năng lắng nghe và đồng cảm với con, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ gia đình.
Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì một môi trường nuôi dạy tích cực và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của Gen Z đối với phụ huynh thời hiện đại.
Lời khuyên dành cho cha mẹ
Chủ động cập nhật kiến thức về Gen Z: Để đồng hành hiệu quả, cha mẹ cần chủ động cập nhật kiến thức về tâm lý, sở thích và xu hướng của thế hệ GenZ hiện nay. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các hội thảo, khóa học hoặc đọc sách, tài liệu chuyên sâu về nuôi dạy con trong thời đại hiện đại.
Thiết lập nguyên tắc sử dụng công nghệ hợp lý: Cha mẹ cần cùng con thỏa thuận rõ ràng về giới hạn thời gian sử dụng (ví dụ như quy định giờ học, giờ nghỉ ngơi và giờ giải trí trên điện thoại), đồng thời hướng dẫn con cách nhận biết và chọn lọc thông tin trên mạng một cách tỉnh táo.
Học hỏi từ con: Chủ động học hỏi từ chính con trẻ và các nền tảng mà Gen Z yêu thích như TikTok, Instagram,...giúp cha mẹ không bị lạc hậu và dễ dàng hiểu hơn về thế giới của con.
Đổi mới phương pháp nuôi dạy: Thay vì dùng những hình phạt truyền thống, cha mẹ nên đặt ra những ranh giới rõ ràng, lắng nghe và thấu hiểu những cảm xúc, suy nghĩ của con, tạo không gian để con tự do khám phá sở thích, đam mê và phát triển tư duy.
Cùng nhau chăm sóc con cái: Khi cha mẹ cùng tham gia vào việc chăm sóc, giáo dục và hỗ trợ con, gánh nặng sẽ được san sẻ. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa cha và mẹ không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng mà còn mang lại lợi ích tích cực cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Nuôi dạy thế hệ Gen Z chưa bao giờ là hành trình dễ dàng, nhưng chính những thách thức ấy đang mở ra cơ hội để cha mẹ viết nên câu chuyện yêu thương thời hiện đại.
Hãy trở thành điểm tựa vững chắc, nơi con cảm nhận được sự lắng nghe bằng cả trái tim, thấu hiểu bằng tâm trí và dẫn dắt bằng sự tôn trọng. Khoảng cách thế hệ không phải là rào cản mà là hành trình cha mẹ đồng hành cùng con đi tìm câu trả lời của riêng mình.
Quý cha mẹ đăng ký tìm hiểu về lộ trình học tập và nhận chính sách ưu đãi năm học 2025 - 2026 TẠI ĐÂY