Nguyễn Hoàng Nhi là một mầm cây như thế. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ vào lớp 6, tự ti và sợ hãi với môn Tiếng Anh, Hoàng Nhi đã kiên trì, bền bỉ, vượt qua chính mình để rồi chạm tới “trái ngọt” khi đạt IELTS 7.5 và tốt nghiệp chương trình Tú Tài Anh Quốc A -Level với điểm A* môn Global Perspectives (Viễn cảnh toàn cầu) - một môn học “khó nhằn”, đòi hỏi người học phải có khả năng đọc - hiểu - viết học thuật bằng Tiếng Anh, tư duy phản biện sâu sắc và kĩ năng nghiên cứu độc lập.
Hành trình ấy không hề dễ dàng. Nhưng chính câu chuyện của Nhi là câu chuyện truyền cảm hứng cho sức mạnh của kỷ luật, sự bền bỉ – và trên hết, là vai trò dẫn dắt âm thầm mà sâu sắc của những người thầy, người cô tận tâm.
.jpg)
Nguyễn Hoàng Nhi rạng rỡ trong ngày Lễ Trưởng thành tại BMS
Hành trình vượt qua nỗi sợ đầu tiên
Năm lớp 6, Hoàng Nhi từ một trường Tiểu học công lập bước vào môi trường hoàn toàn mới – Hệ song bằng Quốc tế Cambridge (i) của Trường THCS Ban Mai. Mọi thứ đều mới lạ: bạn bè năng động, lớp học sôi nổi với hàng loạt các hoạt động và dự án được triển khai bằng Tiếng Anh, môn học chưa bao giờ là sở trường của em. Ngày ấy, Nhi gần như “vô hình” trong lớp, luôn cảm thấy tự ti với vốn từ vựng khiêm tốn, ngữ pháp “hổng lổ chỗ” và cách phát âm vẫn còn ngượng nghịu. Lần đầu tiên nhận điểm 2 môn Tiếng Anh, Nhi càng thêm tin vào suy nghĩ “Mình không có năng khiếu về Tiếng Anh. Đây không phải là môn cho mình.”
Nhưng có lẽ điều may mắn nhất với Nhi trong năm học ấy lại đến từ sự đồng hành của cô Minh Phương (Hazel) – giáo viên tiếng Anh năm lớp 6, và sau này cũng là người dìu dắt em trong môn Global Perspectives ở chương trình A-Level. Với Nhi, cô Phương không chỉ là một người thầy – mà là người đã “định hướng lại chiếc la bàn học tập” đang quay cuồng trong lòng cô học trò nhỏ.
Cô Phương rất nghiêm khắc, nhưng lại cũng vô cùng dí dỏm, gần gũi và truyền cảm hứng. Nhi vẫn còn nhớ như in cô đã từng động viên cả lớp “Cô đâu phải sinh ra đã giỏi Tiếng Anh. Hồi xưa cô cũng từng bắt đầu với những điểm 2, điểm 3. Nhưng các con yên tâm – chỉ cần học đúng cách và đủ chăm chỉ, thì ai cũng có thể học được bộ môn này.”
Câu nói tưởng như đơn giản ấy lại như một chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa hoàn toàn mới trong lòng Nhi. Cô bé bắt đầu nhen nhóm lên suy nghĩ “Nếu cô cũng đã từng như mình, thì có lẽ nếu mình cố gắng, mình cũng sẽ có thể được như cô!”
Từ cảm hứng đến hành động, Nhi bắt đầu hành trình học tập nghiêm túc với bộ môn Tiếng Anh dưới sự hướng dẫn tận tâm cùng “kỷ luật thép” đầy yêu thương của cô Phương. Ngày nào cũng vậy, Nhi luôn đều đặn hoàn thành bài tập về nhà, như một thói quen không thể thiếu. Chỉ sau một năm học, tài sản của Nhi là những cuốn vở 200 trang kín đặc từ vựng được chép tay cẩn thận, cùng những bài luyện viết câu, viết đoạn chứa đầy vết mực đỏ của cô, là chiếc điện thoại với dung lượng bộ nhớ bị hao hụt kha khá bởi những bản ghi âm luyện phát âm Tiếng Anh. Nhi đã không còn thấy sợ khi đến tiết Tiếng Anh nữa. Từ một cô bé chỉ dám nói lí nhí mỗi khi phát biểu, Nhi đã đã đủ bản lĩnh và sự tự tin để đảm nhận vai trò giọng đọc chính cho dự án bản tin tiếng Anh của lớp vào cuối học kỳ II - một cột mốc đáng nhớ trong hành trình chinh phục ngôn ngữ và trưởng thành của chính em.
Nhưng điều đẹp đẽ nhất trong hành trình ấy không nằm ở điểm số hay sự tiến bộ vượt bậc về từ vựng, ngữ pháp hay phát âm. Thay đổi lớn nhất đối với Nhi chính là sự chuyển mình trong tư duy.
Những niềm tin cũ kỹ về “năng khiếu” hay “trí thông minh bẩm sinh”, hay “cái này không dành cho mình” – những điều từng khiến em dễ nản lòng, dễ bỏ cuộc mỗi khi gặp khó đã dần được thay thế bởi một niềm tin mạnh mẽ hơn: “Năng lực học tập không phải là thứ bất biến – và không có kỹ năng nào là “không thể học được” nếu có đúng phương pháp, đủ thời gian và sự kiên trì.” Nhi tin rằng “Không có ai là mãi mãi dở. Chỉ có người ngừng cố gắng khi chưa kịp giỏi lên.”
Chính “tư duy phát triển” (growth mindset) - niềm tin rằng bản thân hoàn toàn có thể tiến bộ thông qua học hỏi và rèn luyện – đã thay đổi cách em đối diện với mọi thử thách trong học tập và trong cuộc sống. Tư duy ấy đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, giúp em không ngừng học hỏi, không ngừng vượt lên chính mình – từng bước mở rộng giới hạn mà trước đây em từng nghĩ là không thể chạm tới.

Hoàng Nhi với phiên bản đầy tự tin khi đứng trên sân khấu
Khi sự tự tin cất thành tiếng hát
Sự trưởng thành trong học tập đã giúp Nhi dần trở nên cởi mở hơn, tự tin hơn trong việc thể hiện bản thân. Và cũng chính trong năm học đầu tiên tại BMS, Nhi em đã khám phá ra một phần rất khác của chính mình – một niềm đam mê thầm lặng nhưng mãnh liệt: âm nhạc.
Không phải từ một ngôi sao K-pop đình đám hay những sân khấu rực rỡ ánh đèn, nguồn cảm hứng của em lại đến từ một người rất gần gũi – thầy giáo chủ nhiệm của em, thầy Kiên. Thầy Kiên mang âm nhạc vào những buổi sinh hoạt lớp, đôi khi chỉ là vài phút ngẫu hứng bên cây đàn ghi-ta trong giờ ra chơi. Nhưng chính những phút giây tưởng như bình dị ấy đã lặng lẽ gieo vào lòng Nhi một tình yêu với âm nhạc.
Từ những lần chăm chú lắng nghe thầy đàn hát, Nhi bắt đầu về nhà mượn cây đàn cũ của anh trai, tự học hợp âm qua YouTube. Từ những lần đàn hát khe khẽ một mình trong căn phòng nhỏ, em dần mạnh dạn chơi đàn cùng bạn bè vào giờ giải lao, và rồi một ngày em lần đầu đứng trên sân khấu của trường, trình diễn tiết mục đầu tiên trước hàng trăm ánh mắt và tiếng vỗ tay cổ vũ từ bạn bè, thầy cô. Từ đó, đam mê cứ thế lớn dần theo năm tháng. Lên cấp 3, Nhi bắt đầu theo học lớp ghi-ta bài bản vào các buổi tối để nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Nhi cũng đã trở thành một thành viên tích cực của các câu lạc bộ nghệ thuật trong trường, thường xuyên tham gia biểu diễn ở các sự kiện lớn nhỏ của BMS.
Âm nhạc, với Nhi, không chỉ là sở thích hay đam mê. Đó còn là nơi em tìm thấy tiếng nói nội tâm của chính mình – là cách em thể hiện cảm xúc, là “ngôn ngữ thứ hai” giúp em kết nối với người khác và với chính bản thân.
“Ngôn ngữ thứ hai” giúp Nhi kết nối với chính bản thân

“Món ăn khó nuốt” mang tên Global Perspectives và cô học trò không dễ từ bỏ
Lên bậc THPT, Nhi quyết định thử thách bản thân khi theo học chương trình song bằng – nơi em phải đồng thời chinh phục cả chương trình phổ thông của Việt Nam và chương trình Tú tài Anh Quốc A-Level. Áp lực là điều không tránh khỏi, đặc biệt là với môn học mang một cái tên nghe đầy thi vị: Global Perspectives (Viễn cảnh toàn cầu).
Global Perspectives là một hành trính khám phá thế giới qua lăng kính học thuật, nơi học sinh phải “tiêu hoá” khối lượng lớn tài liệu chuyên sâu, hoàn toàn bằng tiếng Anh. Những chủ đề mà môn học này đề cập – từ biến đổi khí hậu, di cư toàn cầu, nhân quyền, đạo đức y học đến bất bình đẳng xã hội – đều là những vấn đề gai góc của thế giới hiện đại. Môn học đòi hỏi người học vốn ngôn ngữ học thuật vững chắc, tư duy phản biện sắc bén, khả năng nghiên cứu độc lập, kỹ năng tổng hợp, xử lý và đánh giá thông tin một cách logic và đa chiều.
Với một học sinh mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, và đặc biệt chưa từng tiếp xúc với môn học này từ cấp dưới, Nhi gần như bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh. Lớp 11 mới là lần đầu tiên em được làm quen với những khái niệm cơ bản của bộ môn như nguồn thứ cấp, nguồn sơ cấp, tính thẩm quyền,… cũng là lần đầu tiên em được hướng dẫn cách đặt từ khóa hiệu quả, cách tìm kiếm tài liệu đã được phản biện học thuật hay cách phân tích, đánh giá các nguồn thông tin.
Có những đêm khuya, em lặng lẽ ngồi trước màn hình, căng mắt đọc từng trang nghiên cứu học thuật nhưng vẫn không thể hiểu nổi vì vốn từ vựng còn quá hạn chế. Có những ngày, em kiên trì thử đi thử lại hàng chục cách kết hợp từ khóa, chỉ để rồi lạc vào ngõ cụt của những kết quả tìm kiếm không liên quan. Và cũng có những lần, em dồn hết tâm huyết, trăn trở suốt nhiều ngày để hoàn thành một bài luận – chỉ để nhận lại sự hụt hẫng với bản nhận xét đầy những vết mực đỏ của cô.

Hành trình trưởng thành hạnh phúc của BMSers cùng Thầy cô và các bạn tại BMS
Trong suốt giai đoạn ấy, stress gần như trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của em. Nhưng thay vì coi nó là kẻ thù, Nhi học cách chấp nhận, lắng nghe và từng bước kiểm soát nó. Em luôn tin rằng stress là một lực đẩy âm thầm – nếu biết cách chế ngự, nó có thể trở thành đòn bẩy đưa mình tiến xa hơn.
Thực tế, sau một năm AS Level đầy thử thách, không ít bạn đã chọn không theo đuổi tiếp môn học này, lo sợ rằng kết quả không như kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ đại học. Nhưng Nhi thì khác. Nhi chưa từng – dù chỉ một giây – nghĩ đến việc từ bỏ. Không phải vì em quá tự tin vào năng lực của bản thân. Ngược lại, đã có lúc em hoài nghi chính mình: Liệu mình có đủ sức vượt qua? Liệu kết quả cuối cùng có chỉ dừng ở C… hoặc D? Nhưng ngay cả trong những khoảnh khắc hoang mang ấy, suy nghĩ từ bỏ chưa bao giờ có chỗ trong tâm trí em.
Với người khác, điều đó có thể là liều lĩnh. Nhưng với em, đó là lòng kiên định – với chính lựa chọn của mình, với hành trình mà em đã bắt đầu, và với ước mơ mà em đang theo đuổi.
Em tin rằng: một khi đã quyết định bước tiếp, thì dù kết quả thế nào, mình cũng không hề thua lỗ. Bởi điều quý giá nhất không nằm ở con số cuối cùng trên bảng điểm, mà ở những gì em đã tích lũy được trong suốt hành trình này.
Dù kỳ thi có đem lại kết quả như kỳ vọng hay không, thì em vẫn “được” rất nhiều: một cách tư duy sâu sắc hơn, khả năng phản biện đa chiều, thói quen kiểm chứng và đánh giá thông tin một cách độc lập. Đây không chỉ là kỹ năng học tập mà còn là hành trang sống còn trong một thế giới đầy biến động, nơi sự thật có thể bị bóp méo và thông tin luôn đan xen thật – giả.
Kể cả nếu kết quả không như mong đợi, thì thất bại – nếu có – cũng không phải là điểm kết thúc, mà là cơ hội để em nhìn sâu vào chính mình: giới hạn ở đâu, điểm yếu nào còn tồn tại, và bằng cách nào mình có thể vươn lên một phiên bản tốt hơn. Đôi khi, chính việc không đạt được điều mình muốn lại giúp mình đạt được điều mình cần: sự trưởng thành, bản lĩnh, và một niềm tin mạnh mẽ vào khả năng tự bước qua những ngày khó.
Và thế là, bằng sự kiên trì và lì lợm ấy, Nhi đã bất ngờ đi đến đích – với điểm A* của bộ môn từng là nỗi kinh hoàng của nhiều thế hệ học sinh A-level. Nhưng với Nhi, chiến thắng lớn nhất không nằm ở con số A* – mà nằm ở việc em đã thực sự vượt qua chính mình.
Một căn phòng ấm áp - một cánh cửa luôn mở
Không phải lúc nào Nhi cũng mạnh mẽ. Có những lúc em thấy mình như lạc lối trong mê cung của bài vở chất chồng, lịch kiểm tra và làm việc nhóm dày đặc, và cả sự giằng xé giữa việc học chương trình song bằng trên lớp và khát khao theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp. Đã có những thời điểm em cảm thấy kiệt sức, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, lòng nặng trĩu mà chẳng biết sẻ chia cùng ai.
Và thật may mắn, ở ngôi trường này – phòng Tham vấn tâm lý học đường như một chiếc phao cứu sinh luôn hiện diện. Một căn phòng không chỉ mở cửa bằng tay nắm, mà còn mở ra bằng sự lắng nghe, thấu hiểu, và an yên.
Ở đó, cô Diệp – chuyên viên tâm lý học đường – là người đầu tiên giúp em nhìn mọi chuyện bằng một đôi mắt khác. Cô không rao giảng đạo lý hay đưa ra lời khuyên cứng nhắc, mà luôn nhẹ nhàng gợi mở, để từ đó chính em tự tìm ra câu trả lời cho bản thân. Như một người bạn lớn, cô kiên nhẫn lắng nghe bằng cả trái tim. Qua những buổi trò chuyện giản dị nhưng sâu sắc, cô dạy em một điều tưởng như nhỏ bé nhưng lại rất quan trọng: rằng trưởng thành không phải là phải gồng mình lên chịu đựng tất cả một mình, mà là dám đối diện với cảm xúc và biết cách chăm sóc chính mình.
Từ đó, em bắt đầu biết cách cân bằng lại bản thân. Em học cách đặt ra những ưu tiên rõ ràng: việc nào cần làm trước, việc nào có thể tạm gác lại. Em học cách đối thoại với chính mình, để lắng nghe và thấu hiểu những điều mình đang cần.
Phòng tham vấn không chỉ là một căn phòng với bốn bức tường – đó là nơi em tìm lại sự bình yên trong những ngày chênh vênh. Đó là nơi em được là chính mình – đầy đủ với cả những rối bời, những mong manh, và cả những ước mơ chưa gọi thành tên.

Cô Diệp (ở giữa) - người đầu tiên giúp Nhi nhìn mọi chuyện bằng một đôi mắt khác
BMS nơi nuôi dưỡng tâm hồn và giấc mơ
BMS không chỉ là nơi em học kiến thức, mà là nơi gieo những hạt mầm đầu tiên cho tâm hồn và ước mơ của em.
Ở đây, em được phép sai, được phép thử, và được tin tưởng. Em học cách trưởng thành không chỉ bằng điểm số, mà bằng lòng can đảm, sự đồng cảm và một niềm tin bền bỉ vào chính mình.
Dù mai này đi đâu, em vẫn luôn mang theo một phần BMS – nơi em đã bắt đầu, và đã được nuôi dưỡng để bay xa.


Hoàng Nhi ở một "phiên bản trưởng thành" tham gia kỳ thi năng khiếu tại ĐH Văn Hóa nghệ thuật quân đội